Có thể hiểu rõ hơn về chủ nghĩa makeno qua câu chuyện sau đây của một nhà báo:
Xuống quê thăm anh Mặc, một nông dân trồng rau, tôi thấy rau mướt quá nên xin một ít, anh Mặc nói: “Cái đó để cắt bán. Nhà ăn trồng bên này, chú ăn thì cắt bên này”. Như vậy, người ta chỉ ăn sạch cho gia đình mình, còn “ra chợ bán” cái khác. Nói rồi anh Mặc uống ngụm cà phê, ngồi nhìn “cánh đồng bất tận” trước mặt, không rõ nghĩ gì.
Tôi xuống chợ, thấy “hương cà phê tổng hợp” là mặt hàng bán chạy nhất. Anh Kệ, chủ 1 sạp ở đây nói với tôi, mấy cơ sở rang cà phê nó nói, nếu không bỏ cái này vô, cà phê không dậy mùi thơm, không bán được. Rồi chỉ vào mấy thùng Las-chất tạo bọt, họ cũng mua cái này nữa nè em, không có Las sao có bọt. Mà nào chỉ có cà phê. Bún phở gì cũng đầy hóa chất, khái niệm “bún thiu” không còn nữa, khi bún bây giờ để cả tuần vẫn không bị mốc, bị chua. Anh nói, anh có bao giờ uống cà phê và ăn bánh bún gì ngoài đường đâu. Sợ lắm.
Tôi đi ăn ở hàng miến gà trên phố, do chị Nó, một người quen, mở bán. Chị nói miến này chị bán cho khách, em ăn thì vô sau nhà chị nấu riêng cho. Mì chính (bột ngọt) này chị mua chợ 50 nghìn một cân, gà này là gà dai thải của Hàn Quốc, chị và các con không dám ăn em à. Để chị nấu riêng cho, chết sớm uổng.
Tôi chợt nghĩ. Rồi một ngày, anh Mặc, anh Kệ, chị Nó gặp nhau ở bệnh viện ung bướu, nằm ở 3 cái giường trong 1 phòng bệnh. Cả 3 đều ngơ ngác không hiểu vì sao mình mắc bệnh, mình đã phòng kỹ đến vậy mà!
Chủ nghĩa makeno sẽ làm con người ta trở nên ích kỷ và tự đầu độc lẫn nhau. Tất cả đều có kết cục không tốt đẹp gì. Vì vậy, hãy nghĩ cho người khác, nghĩ lớn hơn cho cộng đồng. Nếu để mặc người, thì người cũng để mặc ta.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét